Cung cấp đèn khử mùi, đèn diệt khuẩn, lọc không khí!

Posts tagged ‘buồn ngủ khi lái xe’

Nhịp sinh học và ứng dụng lái xe an toàn

Hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp của BMW có khả năng cung cấp thông tin trong quá trình xảy ra tình huống và kiểm tra tình trạng sức khỏe của người lái để kịp thời gọi xe cứu hộ.

Những năm vừa qua, thế giới xe ôtô đã chứng kiến rất nhiều thay đổi trong mối quan hệ tương tác giữa người lái và xe. Xu hướng này dường như ngày càng phổ biến hơn theo thời gian. Những thành tựu tiến bộ như hệ thống OnStar của GM và hệ thống giảm va chạm với người đi bộ Car-2-X do BMW thiết kế mới đây đã ghi tên mình vào danh sách hàng loạt công nghệ sinh ra nhằm ngăn chặn tai nạn. Không dừng lại ở đó, ý tưởng ban đầu còn được trang bị thêm những tính năng mới mỗi ngày.

Hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp có thể xác định được tình trạng sức khỏe của người lái thông qua nhịp sinh học.

Hợp tác cùng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang của Đức, hãng BMW lại giới thiệu thêm một chương trình nghiên cứu dành cho tài xế lớn tuổi mang tên SmartSenior. Đây là dịch vụ thông minh dành cho người lớn tuổi đồng thời đóng vai trò như một nền tảng để BMW phát triển hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp.

Khi phát hiện ra người lái đang ở trong tình trạng sức khỏe kém, hệ thống sẽ tự động gọi cứu hộ.

Tuy còn rất lâu nữa mới được hoàn thiện, hệ thống hỗ trợ này có chức năng cơ bản là dừng xe khi “nghe ngóng” thấy bất cứ vấn đề gì gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người lái. Trong khi những “đồng nghiệp” khác, ví dụ như OnStar có thể phát hiện nguy hiểm và cảnh báo cho người lái rồi sau đó mới cung cấp thông tin, hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp này lại hoạt động trong suốt quá trình xảy ra tình huống và tự động dừng xe.

Phương thức hoạt động

Hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp hoạt động dựa trên hai loại cảm ứng. Một loại được thiết kế nhằm nhận dạng nhịp sinh học của người lái. Loại còn lại kết nối trực tiếp tới hệ thống hỗ trợ ConnectedDrive của BMW. Khi cảm ứng nhịp sinh học phát hiện ra thể trạng của người lái kém, hệ thống hỗ trợ sẽ kích hoạt chế độ lái tự động. Sau đó, hệ thống bật đèn tín hiệu cảnh báo nguy hiểm và bắt đầu điều khiển xe. Nếu xe chệch ra khỏi lề đường, hệ thống hỗ trợ sẽ dừng xe lại.

Biểu đồ hiển thị nhịp sinh học của người lái

Sau khi đảm bảo sự an toàn của người lái và xe, hệ thống sẽ gửi tín hiệu khẩn cấp tới dịch vụ cứu hộ đi kèm các dữ liệu cần thiết cho họ cũng như cảnh sát giao thông (nếu xảy ra ách tắc).

Do phải xem xét quá nhiều tình huống có thể xảy ra nên hiện nay BMW mới chỉ ứng dụng hệ thống này trên đường cao tốc. Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp vẫn lập công đầu trong việc phát hiện tình trạng sức khỏe kém của người lái ngay cả khi không xảy ra tai nạn. Dù vậy, cũng đừng mong hệ thống sẽ gọi 911 nếu bạn bị viêm họng nhé.

Triển vọng trong tương lai

BMW dự tính sẽ thiết kế các hệ thống an toàn kiểu này phức tạp hơn trong tương lai. Ngoài những tính năng được nhắc đến ở trên, nhà sản xuất còn dự định trang bị thêm một thiết bị truyền dữ liệu sinh lý tới dịch vụ cứu hộ với sự giúp đỡ của 29 đối tác tham gia vào quá trình phát triển hệ thống SmartSenior như Siemens và Charité – Universitätsmedizin Berlin.

Hệ thống hỗ trợ dừng tự động truyền dữ liệu cần thiết tới dịch vụ cứu hộ để các nhân viên xác định được vị trí của chiếc xe.

Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp còn trở nên hiện đại hơn nữa khi được tích hợp những công nghệ khác như hệ thống cảnh báo chệch làn đường và thiết bị điều khiển di chuyển linh hoạt. BMW mới đây đã thiết kế thêm chức năng gọi khẩn cấp có nhiệm vụ đánh giá vết thương của người lái khi xảy ra tai nạn dựa trên bộ cảm ứng nằm trong hệ thống an toàn thụ động như túi khí.

Các vấn đề đặt ra

Quá trình thiết kế một hệ thống đáng tin cậy dựa trên nhịp sinh học của người lái gặp phải một trở ngại lớn. Bộ cảm ứng gắn trong hệ thống hỗ trợ dừng khẩn cấp phải phát hiện được dữ liệu sinh lý (nhịp tim, hơi thở) mà không gây phiền hà cho người lái với một đống dây xung quanh.

Nhờ hệ thống này, người lái có thể được các nhân viên cứu hộ đến tận nơi chăm sóc

Thêm vào đó, quá trình phát triển thuật toán giúp các nhân viên của dịch vụ cứu hộ xác định được vị trí xe đang đứng trong làn đường cũng như cho phép máy vi tính nhận dạng các vật thể xung quanh cũng là một vấn đề không nhỏ.

Theo thông tin từ ngành công nghiệp hàng không, hiện nay chế độ lái tự động vẫn chưa được ứng dụng hoàn thiện cho xe. Nếu người lái mất khả năng điều khiển, máy vi tính phải thế chỗ và tự đưa ra quyết định. BMW gọi đây là “người đồng hành” điện tử và vẫn đang tiếp tục tìm cách cải tiến sao cho thiết bị này có thể tự quyết như con người.

Theo Zing